Ian Brodie Rated 3 / 5 based on 5 reviews
Largeer

Lịch sử chiếc Panerai Luminor

0
comments
3 năm trước

(Watchbook.vn) - Năm 1993, lần đầu tiên hãng giới thiệu đến công chúng chiếc Luminor và phiên bản khác của nó là Luminor Marina. Trước đó, đồng hồ của Panerai chỉ sản xuất riêng cho các lực lượng quân sự. Chiếc Luminor Submersible được ngôi sao màn bạc Sylvester Stallone đặt riêng để sử dụng trong quá trình quay phim.

1

Luminor 1950 hậu duệ của chiếc Luminor sản xuất năm 1993.

1993 là năm quyết định trong lịch sử phát triển của Panerai cũng như đối với biểu tượng đặc trưng của hãng, bộ sưu tập đồng hồ Luminor. Trong năm đó, lần đầu tiên hãng giới thiệu đến công chúng chiếc Luminor và phiên bản Luminor Marina. Trước đó, đồng hồ của Panerai chỉ sản xuất riêng cho quân đội.

Lấy cảm hứng trực tiếp từ mẫu đồng hồ kinh điển trong quá khứ của Panerai, Luminor ngay lập tức nhận được thành công trên toàn thế giới. Trước hết, ta cùng nhìn lại lịch sử hình thành của công ty cũng như những sự kiện chính đã đem đến sự thành công Luminor ngày nay.

2

 Chiếc Panerai Luminor ra mắt trước công chúng vào năm 1993 - bộ sưu tầm của Martin Wilmsen

Người sáng lập thương hiệu Panerai - Giovanni Panerai đã mở tiệm làm đồng hồ của mình tại Florence vào 1860. Một thời gian sau đó, cửa tiệm này đã trở thành đại lý được ủy quyền của một số thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ tầm cỡ nhất, bao gồm Rolex, Vacheron Constantin và Patek Philippe.

Đầu thế kỉ XX, Panerai trở thành nhà cung cấp đồng hồ chính thức cho Hải quân Hoàng gia Ý (Regia Marina) bằng những chiếc đồng hồ có độ chính xác cao.

Việc sáng tạo ra chất Radiomir (một chất đồng vị của Radium dạng bột, giúp mặt số có thể phát sáng trong bóng tối) là một sự khởi sắc tuyệt vời đối với Panerai. Đây cũng là bằng sáng chế đầu tiên của thương hiệu này (cấp tại Pháp ngày 23/3/1916), tiếp sau đó là một chuỗi dài những bằng sáng chế khác. Vào lúc đó, tác hại của sự phơi nhiễm radium chưa được hiểu rõ, và chất này được sử dụng thường xuyên trong nhiều sản phẩm bao gồm thực phẩm, kem đánh răng, thậm chí là mỹ phẩm.

Năm 1935, Hải quân Hoàng gia Ý đã gửi đơn đặt hàng nhiều hãng đồng hồ với yêu cầu thiết kế một chiếc đồng hồ có khả năng chống chịu được điều kiện khắc nghiệt đồng thời đảm bảo độ chính xác, xem được thời gian dưới mặt nước dành cho lính lặn đặc công của Đội lặn chủ lực. Mẫu thử Panerai gửi đi năm 1936 với cái tên Radiomir, lấy từ tên chất bột dạ quang phủ lên số đếm và bộ kim, đã vượt qua tất cả các bài kiểm tra một cách thành công.

3

Mẫu thử Panerai năm 1936 với cái tên Radiomir có bột dạ quang phủ lên số đếm và tay kim.

Vỏ ngoài  đồng hồ 47mm có dáng cushion, với núm chỉnh giờ hình củ hành được làm từ thép không gỉ Staybrite. Panerai không tự sản xuất những chi tiết này mà mua từ Rolex. Thiết kế này là độc quyền của thương hiệu Rolex, và lấy cảm hứng từ chính chiếc đồng hồ bỏ túi của hãng.

Đồng hồ có vành tai rời nhưng được hàn liền vào vỏ. Dây đeo chống nước, tương đối dài để có thể đeo ra ngoài bộ đồ lặn. Bộ máy lên cót bằng tay cũng được mua từ Rolex, máy 618. Bộ máy này do Cortebert làm ra và chỉ sản xuất riêng cho Rolex.

4

Máy 618 của Rolex.

Chỉ 10 mẫu thử được hãng sản xuất vào giai đoạn này, dùng để thử nghiệm các thiết kế mặt số khác nhau với mặt kính nhựa dẻo Perspex dầy 4mm.

Số hiệu 2553 có cọc số dạng cọc và chấm, trong khi ở số hiệu 3646 thì nửa trên là chữ số La Mã, nửa dưới là số Ả Rập. Thiết kế trên lấy nguồn cảm hứng từ vài chiếc đồng hồ của Rolex. Ngày nay, kiểu mặt số như vậy có tên là “California” vì vào những năm 80, một lượng lớn những chiếc Rolex Bubbleback được tân trang lại bởi một công ty tại Calìornia, cũng dùng mẫu mặt tương tự.

5

Radiomir số hiệu 2553 mặt số có số đếm là những thanh gạch và dấu chấm.

6

Radiomir số hiệu 3626 kết hợp chữ số La Mã và Ả Rập - bộ sưu tập của John Goldberger.

Panerai đã thắng thầu đơn hàng của Hải quân Hoàng gia Ý. Sau một chuỗi những bài kiểm tra thêm được thực hiện bí mật, lô hàng đầu tiên (số hiệu 3646) được gửi đi năm 1938. Để giúp chiếc đồng hồ dễ đọc hơn, hãng đặt chồng hai mặt số lên nhau. Mặt dưới chứa hợp chất radium phủ một lớp nhựa Perpex mỏng trong suốt để bảo quản. Còn mặt trên đục lỗ các kí hiệu số đếm, giúp cho lớp sơn radium bên dưới sáng và dễ đọc hơn. Thiết kế đặc biệt này được gọi là mặt số “sandwich” (bánh mì kẹp).

Thiết kế trên mặt số sau này được biến đổi, thay số Ả Rập vào 4 góc Đông, Tây , Nam, Bắc, còn lại xen kẽ là những dấu gạch. Chiếc đồng hồ tiếp tục được cải biến để phù hợp với yêu cầu của lực lượng Hải quân Hoàng gia và đến năm 1940 thì vành tai hàn thay bằng vành tai liền một khối với vỏ ngoài để tăng khả năng chống nước (số hiệu 6152-1).

7

Radiomir số hiệu 6152-1 với vành tai làm từ cùng một khối với vỏ ngoài và mặt số sandwich năm 1940

Những năm tiếp theo, Rolex từ từ rút khỏi vai trò người cung cấp, Panerai bắt đầu sử dụng bộ máy Angelus 240 với thời lượng cót 8 ngày, hơn nhiều máy 618 của Rolex chỉ có khả năng chạy liên tục 41 tiếng.

8

Máy Angelus 240

Bằng cách này, hãng giảm được số lần người đeo phải kéo núm điều chỉnh ra để lên dây cho đồng hồ, đồng nghĩa với việc đồng hồ đảm bảo chống nước tốt hơn theo thời gian.

Năm 1949 Panerai giới thiệu một hợp chất mới có tên Luminor. Hợp chất này không chỉ an toàn hơn radium mà còn sáng hơn rất nhiều. Chất chứa Tritium này được cấp bằng sáng chế ngày 11/1/1949 với cái tên “Luminor”.

Quá trình tiến hóa từ Radiomir lên Luminor cuối cùng được hoàn thiện vào những năm 50 khi mà phát minh của thiết bị bảo vệ núm điều chỉnh ra đời và được chính thức cấp phép tại Ý năm 1955, một năm sau đó là tại Mỹ. Đơn xin cấp bằng sáng chế cho thiết bị này được gửi đi bởi Giuseppe và Maria Giuseppe Panerai, với vai trò là người đồng sáng chế.

9

Giấy chứng nhận tại Mỹ với tên gọi thiết bị là “Tight Seal Device”.
Hình 1. Sơ đồ mặt chính diện của thiết bị gắn ở vị trí I-I của hình 2, được đặt lên trên núm điều chỉnh.
Hình 2. Sơ đồ mặt bên của thiết bị theo hướng mũi tên II của hình 1.
Để lên dây chiếc đồng hồ cũng như là đặt giờ, phải kéo tên số 2 quanh chốt số 9 đến vị trí nét đứt trong hình.
Như vậy tay số 7 sẽ rời vị trí núm vặn 3, giải thoát lực ghìm giữa núm vặn và vòng nén, từ đó có thể xoay, điều chỉnh núm vặn 3 như các chiếc đồng hồ bình thường.

Giải pháp này tăng khả năng chống nước cho chiếc đồng hồ ở độ sâu 200m/660ft, thành tựu đáng kể so với thời điểm bấy giờ.

Trong khi các mẫu thử đầu tiên vẫn in dòng “Radiomir” lên mặt số, nhiều mẫu thiết kế khác thay thành “Marina Militare” hay “Luminor” được sử dụng khi tiến hành sản xuất chính thức. Tất cả các mẫu, dù có hay không thiết bị bảo vệ núm, đều được đặt số hiệu 6152-1 và trang bị bộ máy Angelus 240 hay Rolex Calibre 618.

10

Số hiệu 6152-1 sản xuất năm 1955  kèm thiết bị bảo vệ cùng mặt số “sandwich” với dòng Radiomir Panerai.

11

Số hiệu 6152-1 năm 1955 mặt số đen với dòng 'Marina Militare' - trong bộ sưu tầm của John Goldberger.

12

Một mẫu khác của 6152-1, sản xuất năm 1956, với cả dòng 'Marina Militare' and 'Luminor Panerai’ cùng một vòng đếm giây bên cạnh góc 9 giờ - trong bộ sưu tầm của John Goldberger.

Ngoài Hải quân Ý, những năm 50 cả Hải quân Ai Cập cũng yêu cầu một đơn hàng từ Panerai với những biến đổi cụ thể. Chiếc ‘small Egiziano’ (số hiệu 6154), không có thiết bị bảo vệ núm, khá giống số hiệu 6152-1 nhưng thanh mảnh hơn. Chiếc ‘big Egiziano’ năm 1956 (số hiệu GPF 2/56) thiết kế lại toàn bộ với đường kính tận 60mm cùng một vòng bezel mới với kích thước đảm bảo về độ bền khi ngâm dưới nước. Cả hai đều có dòng Radiomir trên mặt số.

13

Small Egiziano và big Egiziano - bộ sưu tầm của John Goldberger.

Panerai tiếp tục cung cấp đồng hồ cho hải quân nhưng với số lượng giới hạn và bí mật, khiến cho việc xác định chính xác số lượng sản phẩm là khá khó. Đa số chuyên gia kết luận rằng hãng làm ra khoảng 300 chiếc cho đến năm 1992. Độ khan hiếm của những chiếc đồng hồ này lý giải vì sao chúng được đánh giá rất cao tại các buổi đấu giá quốc tế.

Giá bán kỉ lục của một chiếc Panerai cổ điển là tại buổi đấu giá “Important Watches"  của Sotheby’s, tổ chức lại Geneva vào ngày 14 tháng 5 năm 2014. Một chiếc Luminor 1955 làm từ thép không gỉ, cực kì hiếm được mua bởi một người hâm mộ Panerai với giá đấu lên đến 425,000 CHF. Chiếc Luminor có số hiệu 6152-1 này được xác định sản xuất vào khoảng 1955, có vòng bezel xoay được làm từ polycarbonat, trong suốt và được điểm chấm nhỏ dạ quang hoặc đen. Vòng bezel tháo được là một đặc điểm chưa từng có của hãng, điều này có nghĩa chiếc đồng hồ là một mẫu thử chưa bao giờ được đưa vào sản xuất.

14

Chiếc Luminor siêu hiếm với vòng xoay bezel sản xuất năm 1955 được đấu với giá kỉ lục là 425,000 CHF - Bộ sưu tầm của Sotheby’s.

Quay trở lại năm 1993, năm quyết định được nói tới ở đầu bài viết.

Hãng G.Panerai & Figlio đổi tên thành Officine Panerai vào 1972 khi nhà thiết kế Dino Zei tiếp quản lại công ty sau cái chết của Giuseppe Panerai.

Vào tháng 9 cùng năm, Officine Panerai ra mắt công chúng bộ sưu tập gồm ba chiếc đồng hồ limited: Luminor, Luminor Marina và chiếc Mare Nostrum, được thiết kế dựa hoàn toàn vào nguồn cảm hướng từ mẫu đồng hồ lịch sử được tạo ra 50 năm trước.

15

Tờ quảng cáo tiếng Ý cho chiếc Panerai Luminor, lần đầu xuất hiện trươcs công chúng.

Chiéc Officine Panerai Luminor mới với số hiệu 5218-201/A lập tức được đặt biệt danh Logo nhờ vào logo “OP” cực kì bắt mắt in lên mặt đồng hồ, ngay phía trên góc 6 giờ.

Mặt số đồng hồ làm từ đồng thau, có bốn số Ả Rập 3, 6, 9, 12 còn lại là thanh chữ nhật thay cho số đếm giờ, tất cả đều được khắc lên và tráng hợp chất tritium (thiết kế “sandwich” được giới thiệu đến công chúng thời gian sau đó). Kim giờ và phút cũng đươc phủ tritium. Dòng khắc bên dưới góc 12 giờ là “Luminor Panerai”. Để bảo vệ mặt số, đồng hồ lắp mặt kính sapphire dày 3.5mm.

16

Mẫu thử của số hiệu 5218-201/A sản xuất năm 1993, kèm "non-matching dial" (mặt số lệch) với tay kim và số đếm khác màu nhau do số được tráng một lớp phủ phản ứng với tritium và biến màu của số đếm giờ thành nâu cam, lệch hoàn toàn so với màu trắng kem của tay kim. - Bộ sưu tầm của John Goldberger.

Vỏ ngoài bóng làm từ thép không gỉ 316L so mẫu gốc thì nhỏ hơn với đường kính 44mm, nhưng vào thời đó nó vẫn là một trong những đồng hồ có mặt số lớn nhất trên thị trường. Đồng hồ đi kèm vành tai liền vỏ và bộ bảo vệ núm điều chỉnh đảm bảo khả năng chống nước ở độ sâu 30 ATM (300m/1000ft). Thiết kế vỏ theo dáng cushion có sự khác biệt nhẹ so với số hiệu 6152-1 cổ điển, cho phép mẫu mới có nhận dạng riêng.

Mặt sau vỏ vít đinh 12 cạnh, có khắc dòng Officine Panerai Firenze và logo ‘OP’. Bộ máy lên dây tay Unitas 6497 1800 vph (25.Hz) cung cấp 46 giờ năng lượng dự trữ. Chiếc đồng hồ được đặt trong hộp gỗ mahogany với mề đây Panerai bằng bạc ở phía trước, đi kèm với một dây đeo thêm, tuốc nơ vít và ốc vít để thay dây.

17

Chiếc 5218-201/A cùng hộp đựng.

Sau 10 mẫu thử ban đầu, Panerai định cho làm 899 chiếc số hiệu 5218-201/A nhưng chỉ 677 chiếc trong đó thật sự được sản xuất. Trên thực tế, 212 chiếc còn lại là để dành cho 3 phiên bản đặc biệt cộng tác cùng ngôi sao Hollywood, Sylvester Stallone.

Panerai cũng giới thiệu mẫu Luminor thứ hai (số hiệu 5218-202/A) tri tặng cho Hải quân Ý. Vỏ thép 44mm phủ PVD (bạc titan) đen mờ. Mặt số đen với hai mẫu thiết kế với hai dòng in riêng biệt: “Luminor Panerai” ở góc 12 o'clock và “Marina Militare” ở góc 6 o'clock.

Sau 10 mẫu thử theo thủ tục, Panerai sản xuất tiếp 150 chiếc chính thức.

Năm 1995, một sự kiện may mắn đã đưa đến thành công tầm cỡ quốc tế cho dòng đồng hồ của Panerai. Trong thời gian ở Ý của mình, Sylvester Stallone đã để mắt tới một chiếc Panerai trong cửa tiệm trang sức và thích nó đến mức ông gửi yêu cầu cho Officine Panerai làm một phiên bản đặc biệt phục vụ cho quá trình ông quay cảnh đấu súng dưới nước trong bộ phim Daylight.

Officine Panerai sản xuất chiếc Luminor Submersible, ra mắt với mặt số màu đen cộng thêm một vòng kim giây thay vào góc 9 giờ. Mặt số in dòng “Luminor Submersible” ở dưới góc 12 giờ và “Slytech Panerai” ở góc 6 giờ (với “Sly” là biệt danh của Sylvester Stallone). Hãng làm ra 12 mẫu thử (số hiệu 5218-201/A) và 95 chiếc chính thức với số hiệu 5218-205/A.

18

Officine Panerai Luminor Submersible Slytech số hiệu 5218-205/A

Stallone sau đó gửi đến hãng, yêu cầu một chiếc Luminor Submersible khác với mặt số trắng, đặt tên là Daylight và sản xuất tổng cộng 105 chiếc với số hiệu 5218-207/A.

19

Officine Panerai Luminor Daylight số hiệu 5218-207/A

Tất cả những chiếc đồng hồ này đều có chữ ký của Sylvester ở mặt sau.

Ngoài việc mang chiếc Officine Panerai Luminor trong phim Daylight, Sylvester Stallone đồng thời đem vài chiếc thử làm quà tặng cho bạn bè ông.

20

Sylvester thủ vai Kit Latuara trong phim Daylight, trên cổ tay ông đeo chiếc Luminor Submersible Slytech Panerai mặt số đen.

Một trong những người đó là Arnold Schwarzenegger, ngay sau đó trở thành fan của Panerai và đeo một Luminor Marina khi ông thủ vai chính trong phim Eraser.

Những sự kiện này đã góp phần tạo nên tiếng vang cho cái tên Panerai và thu hút sự chú ý của tập đoàn Vendôme Luxury (ngày nay là tập đoàn Richemont) và đến năm 1997 và chính thức tiếp quản Officine Panerai. Đồng hồ sản xuất từ 1993 đến 1997 nói chung được gọi là những chiếc “Tiền-Vendome”.

Năm tiếp theo, hãng đặt chân vào thị trường đồng hồ quốc tế và mở rộng bộ sưu tập với nhiều mẫu Luminor và Luminor Marina khác nhau (cùng với mẫu mới Mare Nostrum), đước đánh số hiệu theo kiểu PAM mới (PAnerai Models).

Chiếc Luminor Base có đường kính 44mm, bộ máy OP I lên dây bằng tay với kim giờ và phút (dựa theo máy ETA 6497) dao động ở tần số 21,600 vph, lên tới 56 giờ năng lượng dự trữ.

Chiếc Luminor Marina có đường kính 44mm, bộ máy OP II lên dây tay với kim chỉ giờ, phút và một vòng kim giây nhỏ thay cho góc 3 giờ (dựa theo máy ETA 6497/2) dao động 21,600 vph với 41 giờ năng lượng dự trữ.

21

Luminor Marina PVD Destro PAM 026 sản xuất năm 1998 - Bộ sưu tầm của 9Maiali Watches.

Những năm tiếp theo, Officine Panerai tiếp tục mở rộng gia đình Luminor cùng với những thành công vang dội trên khắp thế giới, được gọi là hiện tượng “Paneraimania".

Vỏ ngoài của Luminor giới thiệu vào 1993 được trở lại, vào năm 2002, với chiếc Luminor 1950 lấy nguồn cảm hứng từ thiết kế cũng chiếc đồng hồ Panerai sản xuất năm 1950.

Chỉ được sản xuất giới hạn với 1950 chiếc, chiếc Luminor 1950 PAM 127 có đường kính 47mm với vỏ thép không gỉ bóng loáng cùng mặt số “sandwich” đen. Mặt sau đồng hồ trong suốt nhìn được vào máy Calibre OP XI chứng nhận bởi COSC, thiết kế dựa theo máy ETA 6497/2.

22

Chiếc Luminor 1950 đường kính 47 mm số hiệu PAM 127 với biệt danh "Fiddy" (từ Fifty = 1950)

Chiếc Luminor 1950 có vỏ ngoài tương tự một chiếc Luminor kinh điển khi nhìn chính diện, nhưng chỉ cần nhìn từ hai bên ta có thể nhìn thấy sự khác biệt rõ rệt. Vỏ kính sapphire được làm ôm vòm hơn một chút để thêm nét cổ điển cho đồng hồ. Cùng với đòn bẩy của thiết bị bảo vệ núm điều chỉnh dày hơn so với một chiếc Luminor tiêu chuẩn.

23

Vỏ Luminor tiêu chuẩn (bên trên) và vỏ Luminor 1950 (bên dưới) - Bộ sưu tầm của Martin Wilmsen

Ngày nay cả hai vỏ này vẫn được sử dụng. Một vỏ Luminor tiêu chuẩn có hai kích thước là 40 và 44mm, trong khi vỏ Luminor 1950 hiện nay có 3 kích thước: 42, 44 và 47mm.

Năm 2005, Officine Panerai giới thiệu bộ máy tự làm đầu tiên của hãng, chiếc P.2002 (cùng năm hãng khánh thành nhà máy sản xuất tại Neuchâtel). Máy có 8 ngày năng lượng dự trữ để tri tặng cho phát minh lịch sử là bộ máy Panerai vào thập kỉ 40. Ngày nay, Panerai đã chế tạo ra ít nhất 25 mẫu máy lên tay hoặc tự động của riêng hãng.

Ngày nay, chiếc Panerai 1950 47mm PAM 372 đi cùng máy P.3000 và mặt số đen “sandwich” là một trong những chiếc được trân trọng nhất trong cộng đồng những người yêu thích Panerai vì thiết kế gọn nhẹ và sự đồng nhất về kích thước, vỏ ngoài và mặt số với mẫu Luminor lịch sử.

24

Mặt số “sandwich” đen cùng vỏ ngoài có khắc “OP 0000” của bên hông.

25

Mặt sau đồng hồ trong suốt nhìn được vào máy, với dòng khắc cùng logo OP của chiếc P.3000.

26

Luminor 1950 47 mm PAM 372

Không nghi ngờ gì, một trong những chiếc nổi tiếng và được chú ý nhiều nhất trong dòng đồng hồ thể thao với thiết kế không nhầm vơi ai được cùng một bề dày lịch sử đặc sắc, chiếc Luminor được phát triển thành công bởi Officine Panerai cùng đầy đủ các cải tiến: từ giờ GMT đến một bộ sưu tầm đầy đủ các dòng chronographs, từ máy có 8 ngày năng lượng trữ đến bộ chuyển động tourbillon chính xác tuyệt đối.

XEM THÊM


loading